BGH nhà trường mà trực tiếp là bộ phận chuyên môn đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, các nhóm lớp đưa các hoạt động có ứng dụng STEAM thực hiện phù hợp với từng chủ đề, từng độ tuổi, từng nội dung bài học.
Ví dụ như với chủ đề: Phương tiện giao thông thì các cô tổ chức Hoạt động ứng dụng STEAM như: Làm ô tô từ các nguyên vật liệu khác nhau.
Ở hoạt động này giúp trẻ hiểu STEAM được tích hợp của 5 lĩnh vực sau:
* Khoa học: Trẻ biết tên các nguyên liệu để làm ô tô, cấu tạo của ô tô.
* Công nghệ: Sử dụng các nguyện vật liệu, dụng cụ (Vỏ hộp sữa, khối gỗ, nắp chai, dây để buộc, vỏ chai nhựa, ốc, hồ dán, …) để làm ô tô.
* Kỹ thuật: Trẻ thực hiện kỹ thuật vặn ốc, buộc dây, cắt, dán để làm được ô tô.
* Nghệ thuật: Trẻ biết trang trí các nguyên liệu khác nhau để làm ô tô đẹp nhiều màu sắc.
* Toán học: Trẻ sử dụng toán học biết sắp xếp theo quy tắc; học cách đo lường, đếm để chế tạo ô tô.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các hoạt động khác được các cô giáo ứng dụng linh hoạt, khoa học phương pháp STEAM như: Làm bao lì xì, khám phá gió, sự đổi màu của giấy, Làm chuông gió, thí nghiệm, trứng chìm trứng nổi, làm ngôi nhà của bé từ các nguyên vật liệu khác nhau, các trò chơi với chữ cái, làm bưu thiếp tặng cô ngày 8/3 …
Nhờ cách giảng dạy “vừa học - vừa trải nghiệm” được ứng dụng từ phương pháp STEAM, trẻ sẽ được khơi dậy khả năng sáng tạo. Não bộ của các bé sẽ phân tích và tạo sự kết nối giữa kiến thức đã học với thế giới xung quanh. Sự sáng tạo của trẻ có thể được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: tự đặt câu hỏi để tìm ra đáp án, khám phá lắp ráp những vật thể… Mặc dù các ý tưởng có thể rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển, giúp trẻ chủ động tư duy.
Trẻ làm việc nhóm để tạo ra sản phẩm
Đặc biệt, phương pháp giáo dục sớm STEAM tạo ra môi trường học tập không áp lực, mang đến không khí vui vẻ, thông qua những tiết học thực hành thú vị. mỗi tiết học là một bộ đồ dùng khác nhau, trẻ được thỏa sức sáng tạo. Nhờ vậy, trẻ có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Thay vì ép các con đưa ra đáp án chính xác, STEAM hướng đến thái độ và cách mà tìm kiếm câu trả lời. Nhờ vậy, thông qua mỗi tiết học có ứng dụng STEAM mà các bé trường Mầm non Hùng Tiến đã thực sự tích cực, hứng thú với những thành quả mình làm ra. Đồng thời giúp các bé có thể tự đánh giá công việc của mình, biết được quá trình làm ra sản phẩm và thái độ làm ra sản phẩm đó quan trọng hơn nhiều so với việc sản phẩm đó đẹp hay xấu hơn bạn bè xung quanh.
Chắc chắn với ưu điểm mà STEAM mang lại, phương pháp này sẽ còn được ứng dụng nhiều hơn nữa trong kế hoạch phát triển chương trình giáo dục trẻ tại trường Mầm non Hùng Tiến trong những năm học tiếp theo. Góp phần giúp trẻ hoàn toàn chủ động trong việc hiểu và thực hành những kiến thức được học. Từ đó, trẻ được tự mình khám phá, mở rộng hơn về tri thức, vững bước trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.