Chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ đòi hỏi sự theo dõi và quan tâm của các bậc cha mẹ.
3. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sâu răng
+ Men răng: Men răng thiểu sản hay men răng kém khoáng hóa dễ bị huỷ khoáng hơn và ảnh hưởng đến tiến triển của tổn thương sâu răng.
+ Hình thể răng: Các răng có hố rãnh sâu có nguy cơ sâu răng cao do sự tập trung của mảng bám răng và khó làm sạch mảng bám răng. Có một tỷ lệ cao các trường hợp sâu răng được bắt đầu từ hố rãnh tự nhiên của các răng.
Ngoài ra, một số bất thường về hình dạng răng như răng sinh đôi, răng dính, núm phụ... cũng làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
+ Vị trí răng: Răng lệch lạc, chen chúc làm tăng khả năng lưu giữ mảng bám vì thế dễ bị sâu răng hơn.
+ Nước bọt: Dòng chảy và tốc độ chảy của nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Tạo một lớp màng mỏng trên bề mặt của răng từ nước bọt có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ.
Ngoài ra, nước bọt còn có vai trò đệm làm giảm độ toan của môi trường quanh răng và có tác dụng đề kháng với sâu răng.
Nước bọt còn là nguồn cung cấp các chất khoáng, hỗ trợ quá trình tái khoáng để có thể phục hồi các tổn thương sâu răng sớm.
+ Chế độ ăn nhiều đường: Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ hay bú bình kéo dài đều làm tăng nguy cơ sâu răng.
+ Vệ sinh răng miệng: Đóng vai trò quan trọng nhất trong các yếu tố nguy cơ gây sâu răng, là yếu tố làm sạch cơ học giúp làm giảm hoặc mất các tác động gây sâu răng của các yếu tố gây sâu răng khác.
4. Dấu hiệu nhận biết sâu răng sớm ở trẻ
4.1. Các dấu hiệu nhận biết:
Dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn này dựa vào một trong các dấu hiệu sau:
+ Vùng tổn thương sâu răng sớm xuất hiện các vết trắng đục hoặc nâu vàng, bề mặt men răng còn nguyên vẹn.
+ Vùng tổn thương sâu răng sớm xuất hiện các vết trắng đục khi thổi khô bề mặt.
+ Vùng tổn thương là một vùng tối trên nền ánh sáng trắng của men răng bình thường khi chiếu đèn sợi quang học do hiện tượng tán xạ ánh sáng của tổn thương sâu răng.
+ Vùng tổn thương là một vùng thay đổi màu sắc trên nền phát huỳnh quang màu xanh lá cây của men răng bình thường khi sử dụng một nguồn sáng đặc biệt kích thích phát huỳnh quang của men răng.
+ Vùng tổn thương biểu hiện mức độ mất khoáng tương ứng với giá trị từ 10 đến 20 khi đo bằng thiết bị Laser huỳnh quang
- X quang: Không có dấu hiệu đặc trưng trên X quang.
4.2. Chẩn đoán sâu răng giai đoạn hình thành lỗ sâu
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng hoặc X quang.
- Triệu chứng cơ năng có thể có hoặc không có triệu chứng cơ năng.
- Nếu có thì biểu hiện: Ê buốt khi có các chất kích thích tác động vào vùng tổn thương như nóng, lạnh, chua, ngọt… Khi hết kích thích thì hết ê buốt.
- Triệu chứng thực thể
- Tổn thương mất mô cứng của răng có thể rất nhỏ, chỉ xác định được khi thăm khám với dụng cụ chuyên biệt của các bác sĩ nha khoa hoặc biểu hiện rõ hình ảnh lỗ sâu với các đặc điểm sau:
- Vị trí: Mặt nhai các răng hàm sữa, mặt gần - xa, mặt ngoài và mặt trong các răng.
- Kích thước: có thể nhỏ giới hạn trong một mặt răng hoặc lan rộng sang hai/ ba mặt.
- Độ sâu: Có thể chỉ tổn thương lớp men răng hoặc tổn thương đến lớp ngà răng.
- Đáy: Có thể mềm có nhiều ngà mủn hoặc đáy cứng tùy vào giai đoạn tiến triển của sâu răng
+ Mầu sắc: Màu men ngà răng hoặc màu vàng nâu, đen.
+ Nghiệm pháp thử tuỷ.
+ Thổi bằng hơi: Bệnh nhân thấy ê buốt và hết ê buốt khi ngừng thổi.
+ Thử lạnh: Bệnh nhân thấy ê buốt và hết ê buốt khi ngừng thử.
+ Thử nóng: Bệnh nhân thấy ê buốt và hết ê buốt khi ngừng thử.
- X quang: Có hình ảnh thấu quang vùng tổn thương sâu răng.
5. Điều trị sâu răng ở trẻ em
Đối với các trường hợp tổn thương sâu răng sớm:
- Tăng cường tái khoáng. Nên cung cấp các yếu tố nhằm tăng cường quá trình tái khoáng, ngăn chặn hủy khoáng để phục hồi các tổn thương.
- Liệu pháp Fluor: Dùng Fluor có độ tập trung cao ở dạng gel, dung dịch hoặc véc ni áp lên bề mặt vùng tổn thương để tái khoáng.
- Bổ sung canxi, phot pho ở dạng gel lên bề mặt vùng tổn thương để tái khoáng.
- Bệnh nhân chải răng với kem răng có Fluor.
- Bệnh nhân ăn uống hợp lý, bổ sung thêm các khoáng chất để tái khoáng.
- Đối với các trường hợp đã tạo thành lỗ sâu thì phải lấy bỏ toàn bộ mô nhiễm khuẩn, bảo vệ tuỷ và hàn kín phục hồi mô cứng bằng các loại vật liệu thích hợp.
Tóm lại: Các tổn thương sâu răng sớm nếu thực hiện tốt việc tăng cường quá trình tái khoáng thì các tổn thương có thể tự phục hồi.
Các trường hợp đã hình thành lỗ sâu: Nếu hàn phục hồi tốt đúng quy trình thì hoàn toàn có thể phục hồi được mô cứng của răng ngăn ngừa được các biến chứng.
Để phòng bệnh sâu răng, ngăn ngừa biến chứng viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng, cần áp dụng các biện pháp cơ học kiểm soát mảng bám răng như chải răng với kem Fluor và chỉ tơ nha khoa. Đối với các trường hợp có nguy cơ sâu răng cao thì áp dụng các chế phẩm có độ tập trung Fluor cao do thầy thuốc thực hiện. Cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống có tác dụng dự phòng sâu răng. Khám và kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.