Quan trọng nữa, nhờ đọc sách, người đọc, nhất là trẻ nhỏ sẽ rèn luyện được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất và mang tính bền vững nhất. Tất nhiên, do nhiều nguyên nhân, không phải cuốn sách nào cũng đạt đến độ chuẩn mực về ngôn ngữ, điều thường thấy ở các tác phẩm kinh điển được xuất bản ở thời gian cách nay vài chục năm. Do đó, phụ huynh cần trước khi mua sách cho con, cần mở sách xem một vài đoạn xem câu cú trong tác phẩm có được viết và biên tập chuẩn mực hay không.
Để cho giúp trẻ ham đọc sách, trước hết cần tạo môi trường đọc cho nó. Hiện, việc xem ti vi, giải trí qua các thiết bị thông minh trở nên phổ biến và có sức hấp dẫn vô cùng với trẻ. Do đó, điều cần thiết giúp trẻ ham đọc là gia đình cần tạo ra không khí của văn hóa đọc. Gia đình cần có một giá sách nhỏ, bố mẹ cũng cần là tấm gương thích sách, ham đọc. Cũng có gia đình, bố mẹ không thích đọc sách nhưng con cái vẫn thích. Đó là do, bố mẹ chú ý hướng con đến việc đọc sách, như tạo tủ sách cho con, dẫn con đi tham quan nhà sách và cho chúng mua những cuốn sách yêu thích.
Vậy trẻ ở độ tuổi nào thì có thể đọc sách?
Người viết không nhớ mình hồi nhỏ đọc sách từ độ tuổi nào, chỉ nhớ bắt đầu đi học lớp 1. Lúc bắt đầu đọc, trẻ có thể đọc các truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ của nước ngoài (truyện cổ Grimm chẳng hạn). Lớn lên, trẻ có thể đọc những truyện phiêu lưu lỳ thú (Đảo giấu vàng, 80 ngày vòng quanh thế giới, Hai vạn dặm dưới đáy biển …).
Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng, nên cho trẻ tiếp xúc sách từ 2 tuổi, thậm chí sớm hơn. Lúc đó, trẻ tiếp xúc với sách tranh là chủ yếu, mỗi trang chỉ cần vài ba chữ để trẻ làm quen với chữ.
Các chuyên gia cũng lưu ý về thời lượng đọc sách cần chú ý phù hợp với từng lứa tuổi, từ vài ba tuổi chỉ cần 10 phút, sau đó tăng dần lên. Phụ huynh cũng cần chú ý đến cách cầm sách, tư thế ngồi đọc, ánh sáng đọc cho trẻ.
Nhiều gia đình thông qua việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ còn chú ý đến mảng sách song ngữ nhằm giúp trẻ tiếp xúc sớm về ngoại ngữ.
Để giúp trẻ có thói quen và có niềm hứng thú đọc sách, đòi hỏi phụ huynh kiên trì, thường xuyên thay đổi những biện pháp để tạo nguồn cảm hứng cho con. Cũng cần lưu ý việc hạn chế con dùng nhiều những thiết bị điện tử thông minh. Cần giúp con tạo ra một “cộng đồng đọc sách” bằng cách cho con trao đổi sách với bạn bè trong khu cư trú hay trường học.
Đọc sách ngày càng chứng tỏ về lợi ích của nó dù internet ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Cha mẹ cần giúp con mình tiếp cận sách sớm và có hứng thú đọc sách.