1. Khi nào có thể dạy trẻ nói lời cảm ơn khi nhận quà
Thời điểm tốt nhất để dạy trẻ nói lời cảm ơn một cách lịch sự khi nhận được những món quà là trước các dịp lễ. Đây là một trong những bài học quan trọng về cách cư xử mà cha mẹ cần dạy cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Trong ngày sinh nhật của trẻ, mọi ánh mắt đều tập trung vào trẻ khi trẻ nhận những món quà. Trẻ có thể mở một món quà ra, sau đó nhăn mặt và phàn nàn rằng mình đã có món đồ này rồi.
Để tránh cảnh này, bạn hãy chuẩn bị trước bữa tiệc một chút. Cho trẻ ngồi xuống và nói với trẻ rằng: "Con sẽ nhận được quà. Mọi người sẽ muốn thấy con mở quà của họ và thật tuyệt khi con nói 'Cảm ơn!' ngay cả khi con không thích món quà đó".
Mặc dù vậy, thật khó khi mong muốn một đứa trẻ dưới 4 tuổi hiểu được một lời cảm ơn chân thành. Nếu bạn lo lắng về việc liệu trẻ có thể lịch sự hay không, bạn có thể đợi mở quà sau khi khách ra về. Hoặc bạn có thể xoa dịu mọi bình luận không hay bằng lời cảm ơn của riêng bạn: "Cảm ơn bạn, vì con búp bê!". Sau đó, hãy giải thích cho trẻ rằng việc nhận xét thô lỗ về món quà sẽ làm tổn thương cảm xúc của mọi người vì mọi người đã cố gắng để chọn một món quà làm con vui. Đó là lý do tại sao "cảm ơn" là điều duy nhất có thể chấp nhận được để nói về một món quà mà con không thích.
Tuy nhiên nói lời "cảm ơn" đơn thuần là chưa đủ. Các chuyên gia về trẻ em nhấn mạnh rằng ghi chú cảm ơn là điều tốt hơn, đặc biệt là đối với những món quà được gửi qua đường bưu điện.
Mặc dù điều này có thể coi là quá trang trọng đối với người thân và bạn bè thân thiết, nhưng hãy nghĩ theo cách này: Không ai sẽ chỉ trích khi trẻ làm điều đó, nhưng họ có thể cảm thấy không vui nếu trẻ không làm điều đó.
Tác giả của cuốn sách Easy Eloquence: Simple Thank You Notes and Sympathy Cards, Sharon Paskoff cho biết: “Nó không cần phải quá cầu kỳ. Trẻ có thể vẽ một bức tranh nếu trẻ chưa thể viết và mẹ có thể viết tắt vài dòng về việc trẻ thích món quà như thế nào.".
Paskoff gợi ý rằng, hãy mua cho trẻ văn phòng phẩm được cá nhân hóa của riêng trẻ. Những đứa trẻ biết viết có thể tự chuẩn bị những lời cảm ơn, nhưng cha mẹ có thể muốn ngồi cùng để giúp trẻ. Chẳng hạn như bạn có thể nhắc trẻ đề cập cụ thể đến món quà hoặc giải thích số tiền sẽ được dùng để làm gì và cảm ơn người tặng. Hãy chuẩn bị để củng cố thói quen này cho đến khi trẻ trưởng thành hoàn toàn.
Đến 4 tuổi, nhiều trẻ có thể:
- Biết nói "cảm ơn" cho một món quà nhận được trực tiếp.
- Biết giúp cha mẹ viết thư cảm ơn.
Đến 8 tuổi, nhiều trẻ có thể:
- Tránh nhận xét thô lỗ về quà tặng.
- Biết nói lời "cảm ơn" một cách lịch sự cho những món quà nhận được trực tiếp.
- Biết viết thư cảm ơn kèm theo lời nhắc từ bạn.
2. Cách dạy trẻ nói lời cảm ơn khi nhận quà
Dưới đây là một số ý tưởng để dạy trẻ biết ơn người khác khi đã tặng quà mình. Bạn hãy dạy cho trẻ thói quen nói lời cảm ơn ngay từ khi trẻ biết nói. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành một trong những quy tắc ứng xử tốt cần cho cuộc sống của trẻ sau này.
2.1. Giải thích ý nghĩa của lời cảm ơn cho trẻ biết
Giải thích cho trẻ biết “cảm ơn” thực sự nghĩa là gì. Các chuyên gia về giáo dục trẻ em cho biết một chiến lược hiệu quả hơn đó là giúp trẻ hiểu được ý nghĩa đằng sau những biểu hiện của lòng biết ơn.
Giải thích cho trẻ rằng để cảm ơn ai đó thể hiện sự đánh giá cao của trẻ đối với thời gian nghĩ về con hoặc làm điều gì đó cho con. Bất kể đó là món quà là gì thì lời cảm ơn của trẻ sẽ là chân thành.
2.2. Cho trẻ biết cách cảm ơn bằng lời nói và hành động khi nhận quà
Lời nói cảm ơn vốn rất quan trọng trong cuộc sống, vì thế cha mẹ hãy dạy trẻ nề nếp về vấn đề nói lời cảm ơn và thể hiện hành động khi nhận quà.
- Bạn có thể giới thiệu bài học về cách nhận quà bằng cách nói, “Bố/mẹ muốn chỉ cho con những việc cần làm khi con nhận được quà.”. Thể hiện các hành động cùng với lời cảm ơn thích hợp.
- Nói cho trẻ biết rằng “Bố/mẹ không bao giờ yêu cầu ai đó tặng cho một món quà. Bố/mẹ cũng không bao giờ hỏi, "Quà của tôi đâu?".
- Yêu cầu trẻ đưa cho bạn một món quà mà bạn đã chuẩn bị cho việc tập luyện. Bạn sẽ thể hiện lời nói và hành vi phù hợp khi được tặng quà, bạn nhìn thẳng vào mắt trẻ hoặc bất cứ điều gì bạn mong đợi trẻ sẽ làm khi được nhận quà. Ví dụ như bạn mỉm cười và nói, “Cảm ơn”. Sau đó mở quà rà và tiếp tục nói lời “Cảm ơn”. Nếu đó là thứ con đã có, con không nên nói, “Con đã có một món đồ này rồi”.
- Đưa ra một ví dụ về điều gì đó tốt đẹp mà bạn có thể nói, để hướng dẫn trẻ.
- Nếu bạn muốn trẻ ôm hoặc hôn một người thân hoặc bạn bè, bạn cũng nên thể hiện điều đó khi được trẻ tặng quà cho bạn.
- Cuối cùng, hãy nói cho trẻ biết: “Sau này, bố/mẹ sẽ viết thư cảm ơn cho người đã tặng quà cho bố/mẹ”.
2.3. Cho trẻ cơ hội luyện tập nói lời cảm ơn khi được nhận quà
Lặp đi lặp lại là điều cần thiết để trẻ nhỏ học được các cách cư xử tốt như dạy trẻ biết ơn, dạy trẻ lễ phép. Bạn nên tạo cho trẻ càng nhiều cơ hội thực hành càng tốt trước khi trẻ thực sự được tặng quà. Bạn có thể tạo ra các cơ hội như:
- Bạn có thể có một túi quà hoặc hộp có nắp để có thể sử dụng nhiều lần. Bạn có thể để đồ chơi, quần áo hoặc sách khác nhau mà trẻ đã có vào túi hoặc hộp quà và đóng vai đưa quà cho trẻ. Món quà sẽ là một bất ngờ, và trẻ sẽ phải nghĩ ra điều gì đó hay đẹp để nói về món quà đó.
- Bạn có thể tặng những món quà nhỏ để trẻ tập nói cảm ơn trong suốt kỳ nghỉ lễ. Một số cha mẹ có những món quà nhỏ hàng ngày, đặc biệt trong suốt tháng 12, để tập trung vào việc dạy con họ nói lời cảm ơn.
- Bạn có thể đóng vai người tặng quà với một món quà giả vờ.
- Nếu bạn có nhiều con, bạn có thể cho những đứa trẻ thay phiên nhau cho và nhận quà thật hoặc giả.
- Sau khi trẻ có nhiều cơ hội đóng vai, bạn có thể thảo luận với trẻ về việc “Bố/mẹ nên làm gì khi nhận được quà?”.
2.4. Khen ngợi và động viên khi trẻ biết nói lời cảm ơn với người khác
Khi bạn thấy con mình biết nói lời cảm ơn với người khác, bạn hãy dành những lời khen ngợi cho con để con được vui và cố gắng cho các sau:
- Con có biết rằng bố/mẹ đã cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy cách con mỉm cười với bác, ôm bác và nói “Con cảm ơn bác!”.
- Con có biết bố/mẹ đã rất vui khi con đã biết nói những gì con thích về món quà con được tặng.
- Con có biết rằng bố/mẹ đã cảm thấy rất vui khi con đã dọn dẹp sạch sẽ những mảnh giấy gói quà.
- 2.5. Không chỉ chích khi trẻ không làm đúng những gì bạn mong đợi
Nếu trẻ chưa biết nói lời cảm ơn khi nhận quà như bạn đã dạy cho trẻ, bạn không nên chỉ trích cũng như làm trẻ cảm thấy xấu hổ trước nhiều người. Bạn cần giữ bình tĩnh và lưu ý các điều sau:
- Bạn hãy nhớ rằng trẻ nhỏ cần thực hành nhiều lần trước khi thực hiện một cách thành thục.
- Sau khi dạy cho trẻ, bạn cần lặp lại bài học để trẻ có thể ghi nhớ.
- Cho trẻ nhiều cơ hội thực hành hơn.
Dạy trẻ nói lời cảm ơn là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống, tuy nhiên không vì thế mà bạn áp đặt và tỏ ra thất vọng khi trẻ chưa làm được như những gì mình mong muốn. Bởi điều quan trọng cha mẹ cần làm là để con hiểu giá trị của hành động và nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp trong con.